THỰC TRẠNG SUY THOÁI ĐỘ PHÌ NHIÊU ĐẤT TRỒNG CAM

Lê Xuân Ánh, Lương Đức Toàn

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhiều năm qua, cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi…) là hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương phía bắc. Cây ăn quả có múi đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ dân ở các vùng nông thôn. Nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, các địa phương cũng chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, mở rộng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Cục trồng trọt năm 2019, tổng diện tích cây có múi trên cả nước là 235.216 ha. Trong đó, diện tích trồng cây có múi ở các tỉnh miền núi phía bắc là 106.125 ha, các tỉnh Bắc Trung Bộ là 29.630 ha. Đây là cây ăn quả phổ biến, có mặt trong sản xuất tại khắp các vùng địa phương trong cả nước. 
Riêng tại phía Bắc, trong 10 năm, từ 2009 đến 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm về diện tích (tương ứng 7,3 nghìn hecta/năm), 12,5%/năm về sản lượng (69,4 nghìn tấn/năm). Nhiều tỉnh đã hình thành một số vùng cây có múi sản xuất hàng hóa, từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm như: vùng cam Cao Phong (Hòa Bình); vùng cam, bưởi Lục Ngạn (Bắc Giang); vùng cam Văn Giang (Hưng Yên); vùng cam sành Hà Giang hay bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ)…
Diện tích và sản lượng cây cam vùng miền Bắc Việt Nam tăng nhanh hàng năm, nhưng chất lượng cam không đồng đều, năng suất không ổn định và có xu hướng giảm. Nguyên nhân của tình trạng nói trên là do sự hình thành các vùng cam hoàn toàn tự phát và biện pháp kỹ thuật trồng cam dựa chủ yếu trên kinh nghiệm của người dân. Việc trồng độc canh lâu năm tại các vùng cam truyền thống (Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Nghệ An) cũng là một nguyên nhân làm đất suy thoái, dẫn tới suy giảm năng suất và chất lượng cam. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, nhiều đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện; tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học, nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, bùng phát dịch hại và ảnh hưởng chất lượng, ATTP. Kỹ thuật canh tác chưa được áp dụng phổ biến, hiệu quả trong sản xuất cây có múi, làm cho sâu bệnh hại phát sinh gây hại, giảm chất lượng và độ đồng đều của quả...; Việc bón phân sai cách cũng là nguyên nhân khiến đất bị chua (độ pH giảm dưới 5). Cũng như nếu việc quản lý cỏ không tốt, không tạo được độ che phủ bề mặt thì khả năng đất bị rửa trôi là rất cao. Ngoài ra, việc lạm dụng các loại phân thuốc hóa học, hóa chất độc hại để phòng trừ sâu bệnh trong suốt thời gian dài canh tác, cũng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ phì của đất. Các nguyên tố hóa học, kim loại nặng khi tích tụ lâu ngày sẽ làm phá vỡ hết tất cả cấu trúc đất, khiến đất bị trơ và không còn canh tác được nữa. Trồng cam trên vùng đồi núi (đặc biệt là tại các tỉnh vùng BTB, TDMNPB) nhiều diện tích có độ dốc lớn, không thiết kế đường đồng mức phù hợp, khó khăn cho canh tác, thu hái…
Mục đích của nghiên cứu này là nhằm đánh giá thực trạng về suy thoái đất của các vùng trồng cam chính ở miền Bắc Việt Nam.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​​

2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu là một số vùng đất trồng cam chính ở phía Bắc Việt Nam.

- Nghiên cứu tập trung ở các vùng đại diện gồm huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp của tỉnh Nghệ An, huyện Cao Phong của tỉnh Hoà Bình, huyện Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang, huyện Bắc Quang và Quang Bình của tỉnh Hà Giang.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Điều tra, thu thập thông tin tài liệu

            - Điều tra, thu thập số liệu thứ cấp: Thu thập thông tin số liệu tại sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh nghiên cứu, các huyện trồng cam tập trung, các cơ quan nghiên cứu,…

            - Điều tra thu thập số liệu sơ cấp: Phỏng vấn các hộ trồng cam vùng nghiên cứu về các chỉ tiêu giống cam, tuổi cây, chế độ chăm sóc, năng suất cây,… ở các vườn điều tra lấy mẫu. Chọn các vườn cam lấy mẫu ở thời kỳ kinh doanh từ 6 - 15 năm tuổi.

2.2.2. Phương pháp lấy mẫu và bảo quản mẫu

- Lấy mẫu đất: Trên các loại đất trồng cam chủ yếu ở các địa phương trồng cam đại diện phía Bắc Việt Nam lấy 180 mẫu tầng mặt để phân tích tính chất vật lý và hóa học của đất. Mẫu được lấy hỗn hợp tại 5 điểm theo đường chéo của các vườn trồng ở chu kỳ kinh doanh theo khoảng độ sâu 0-30cm (theo TCVN 5297-1995).

Mẫu đất được phân tích các chỉ tiêu pHKCl; OC, N, P, K tổng số; P, K dễ tiêu; CEC, thành phần cơ giới, Ca, Mg trao đổi, các nguyên tố vi lượng Zn, Cu (dạng dễ tiêu).

- Bảo quản mẫu: Mẫu đất được lấy, sau đó cho vào túi nhựa ghi ký hiệu mẫu và có phiếu ghi mẫu, độ sâu, địa điểm, tọa độ, ngày và người lấy mẫu. Các mẫu được bảo quản mang về phòng thí nghiệm xử lý.

2.2.3. Phương pháp phân tích

Thành phần cấp hạt: TCVN 8567:2010 (Phương pháp Pipet)

pHKCl:               TCVN 6862:2000

OC tổng số:      TCVN 8941:2011

N tổng số:         TCVN 8557:2010

P2O5 tổng số:    TCVN 8940:2011

K2O tổng số:     TCVN 8660:2011

P2O5 dễ tiêu:     TCVN 8661:2011

K2O dễ tiêu:      TCVN 8662:2011

CEC:                 TCVN 8568:2010

Ca++ trao đổi:    TCVN 8569:2010

Mg++ trao đổi:   TCVN 8569:2010

Cu và Zn dễ tiêu: TCVN 6496:2009

 

2.2.4. Phương pháp so sánh, đánh giá kết quả phân tích.

So sánh các tính chất cụ thể của đất trồng cam với yêu cầu về đất đai của cây cam để đánh giá mức độ thích hợp và yếu tố hạn chế. Các chî tiêu và yêu cầu sử dụng đất đai của cây cam được xác định trên cơ sở tham khảo kết quả nghiên cứu của FAO (1998), Đào Thanh Vân & cs. (2012), Bộ NN&PTNT (2009), Đỗ Ánh (2002), TCVN 7373-2004, TCVN 7374-2004, Đỗ Ánh và cộng sự (2000), Mancenpong S., 2008, A. Dobermann & T. Fairhurt, 2000, J. Boyer (1982).

Áp dụng thang đánh giá suy thoái độ phì nhiêu đất của Sallato et al. (2018) theo các chỉ tiêu phân tích như sau:

Thang đánh giá chất lượng đất đối với cây cam

Chỉ số

Đơn vị

Thấp

Tối ưu

Thừa

Phương pháp phân tích

pHKCl

-

< 5,0

5,0 - 6,0

> 7,0

TCVN 5979:2007

OC tổng số

%

<0,8

> 1,5

 

TCVN 8941:2011

N tổng số

%

< 0,1

> 0,2

 

TCVN 8557:2010

P2O5 tổng số

%

< 0,03

> 0,1

 

TCVN 8940:2011

K2O tổng số

%

<  0,1

> 0,3

 

TCVN 8660:2011

P2O5 dễ tiêu

mg/100g

< 3,46

> 4,46

 

TCVN 8661:2011

K2O dễ tiêu

mg/100g

< 4,5

> 9,0

 

TCVN 8662:2011

CEC

meq/100g

< 10,0

> 15,0

 

TCVN 8568:2010

Ca2+ trao đổi

meq/100g

< 2,5

2,5 - 5,0

 

TCVN 8569:2010

Mg2+ trao đổi

meq/100g

< 0,5

0,5 - 2,5

 

TCVN 8569:2010

Zn dễ tiêu

mg/kg

< 2,0

2,0 - 4,0

> 200

TCVN 6496:2009

Cu dễ tiêu

mg/kg

< 1,0

1,0 - 1,5

> 100

TCVN 6496:2009

  Nguồn: Sallato et al. (2018)

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Thành phần cơ giới của đất trồng cam

Với kết quả điều tra lấy mẫu đất ở các điểm nghiên cứu cho thấy cây cam trồng ở vùng Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp của tỉnh Nghệ An, Cao Phong - Hòa Bình, Hàm Yên - Tuyên Quang, Bắc Quang và Quang Bình của tỉnh Hà Giang trên các loại đất chính gồm: đất nâu đỏ phát triển trên đá bazan, đất nâu phát triển trên đá vôi, đất phù sa cổ, đất đỏ vàng phát triển trên đá phiến thạch biến chất,...

Bảng 1: Mức thích hợp về thành phần cơ giới của đất trồng cam ở các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Tối ưu

(Thịt nhẹ, thịt TB)

Thích hợp

(Cát pha, sét)

Loại đất chủ yếu

Cao Phong

70,00

30,00

Đất nâu đỏ trên đá vôi

Nghĩa Đàn

73,33

26,67

Đất nâu đỏ trên đá bazan

Quỳ Hợp

80,00

20,00

Đất nâu đỏ trên đá bazan

Hàm Yên

46,67

53,33

Đất đỏ vàng trên đá biến chất

Bắc Quang

50,00

50,00

Đất đỏ vàng trên đá biến chất

Quang Bình

43,33

56,67

Đất đỏ vàng trên đá biến chất

Theo hướng dẫn của Cẩm nang sử dụng đất của Bộ Nông nghiệp và PTNT (2009) và của FAO (1998) thì đất trồng cam rất thích hợp với thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến thịt trung bình, với các loại đất cát pha, sét thích hợp với cây cam. Kết quả đánh giá về thành phần cơ giới cho thấy tất cả các vườn điều tra đều có thành phần cơ giới rất thích hợp đến thích hợp đối với cây cam.

3.2. Độ chua đất trồng cam ở các vùng nghiên cứu

Bảng 2: Mức thích hợp về độ chua của đất trồng cam ở các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Tối ưu

(5- 6)

Thích hợp

(6-7)

Thấp

(<5)

Cao Phong

16,67

10,00

73,33

Nghĩa Đàn

20,00

16,67

63,33

Quỳ Hợp

16,67

16,67

66,67

Hàm Yên

6,67

3,33

90,00

Bắc Quang

3,33

3,33

93,33

Quang Bình

3,33

3,33

93,33

Độ chua của đất là yếu tố rất quan trọng đối với sinh trưởng của cây cam, độ chua của đất thích hợp sẽ tạo điều kiện cho bộ rễ hoạt động tốt, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây. Theo thang thích hợp về độ chua của đất đối với cây cam (FAO, 1998; Bộ NN&PTNT, 2009) thì pH thích hợp nhất là từ 5-6, mức độ thích hợp là từ 6-7 và ít thích hợp là mức < 5 và >7. Kết quả phân tích đất ở các vùng nghiên cứu cho thấy hầu hết đất đều chua với pHKCl < 5. Vùng cam Cao Phong, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có số vườn rất thích hợp cho cây cam chiếm từ 16,67 - 20,00% tổng số vườn điều tra, số vườn có độ chua thích hợp với cây cam chiếm 10,00 - 16,67%, các vườn còn lại đều có pHKCl < 5. Với kết quả đánh giá về độ chua đất vùng Hàm Yên cho thấy chỉ có 6,67% số vườn điều tra có độ chua rất thích hợp và 3,33% số vườn điều tra có độ chua ở mức thích hợp, còn lại 90,00% số vườn có độ chua ít thích hợp với cây cam (pHKCl < 5), ở Bắc Quang và Quang Bình có 6,67% số vườn điều tra có độ chua từ rất thích hợp đến thích hợp. Theo kết quả nghiên cứu của Mancenpong S. (2008) độ chua thích hợp đối với cây có múi là pHKCl dao động từ 5,5 - 6,5, với yêu cầu này có 16,67% số vườn điều tra ở Cao Phong, 20,00% số vườn ở Nghĩa Đàn, 20,00% số vườn ở Quỳ Hợp, 10,00% số vườn ở Hàm Yên, 10,00% số vườn ở Bắc Quang và 6,67% số vườn điều tra ở Quang Bình là có pHKCl phù hợp.

Kết quả đánh giá này cho thấy hầu hết đất trồng cam của các địa phương nghiên cứu đều chua và ít thích hợp đối với cây cam vì vậy cần phải bón vôi và các loại phân bón có khả năng làm giảm độ chua của đất.

3.3. Hàm lượng carbon hữu cơ trong đất trồng cam

Theo yêu cầu sử dụng của đất trồng cam từ kết quả nghiên cứu của FAO (1998), Đào Thanh Vân và cs (2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT (2009) thì hàm lượng carbon hữu cơ trong đất rất thích hợp cho cây cam là >1,5%, thích hợp ở khoảng từ 0,8 - 1,5% và ít thích hợp ở mức < 0,8%. Đối chiếu với kết quả phân tích các vườn cam điều tra cho thấy hầu hết các vườn điều tra đều có hàm lượng carbon hữu cơ ở mức rất thích hợp đến thích hợp, chỉ có 6,67% số vườn điều tra ở Hàm Yên, 10,00% số vườn ở Bắc Quang và 16,67% số vườn ở Quang Bình có hàm lượng carbon hữu cơ ở mức ít thích hợp.

Bảng 3: Mức độ thích hợp về hàm lượng carbon hữu cơ tổng số trong đất trồng cam

Đơn vị tính: %

Địa phương

Tối ưu

(>1,5%)

Trung bình

(0,8 - 1,5%)

Thấp

(< 0,8%)

Cao Phong

46,67

53,33

0

Nghĩa Đàn

56,67

43,33

0

Quỳ Hợp

46,67

53,33

0

Hàm Yên

26,67

66,67

6,67

Bắc Quang

23,33

66,67

10,00

Quang Bình

23,33

60,00

16,67

Nếu đối chiếu với thang đánh giá của Euroconsult Agricultural Compendium (1989) và TCVN 7376:2004 về hàm lượng carbon hữu cơ (OC) tổng số trong đất thì phần lớn các mẫu đất điều tra đều chỉ ở mức trung bình (từ 1,26 - 2,50%), trong đó ở mức giàu (>2,50%), Cao Phong có 23,33% số vườn điều tra, Nghĩa Đàn có 20,00% số vườn, Quỳ Hợp có 16,67% số vườn, Hàm Yên có 6,67% số vườn, Bắc Quang và ở Quang Bình có 6,67% số vườn. Mức trung bình ở Cao Phong có 53,33% số vườn, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có 63,33% số vườn, Hàm Yên có 53,33% số vườn, Bắc Quang có 43,33% và Quang Bình có 46,67% số vườn điều tra.

3.4. Hàm đạm tổng số trong đất trồng cam ở miền Bắc Việt Nam

Với kết quả nghiên cứu của Đỗ Ánh (2002) và TCVN 7373-2004 thì hàm lượng đạm trong đất trung bình từ 0,1 - 0,2%, mức giàu là > 0,2% và < 0,1% là ở mức nghèo. Đối chiếu với kết quả phân tích ở các địa phương cho thấy hầu hết các vườn đều có hàm lượng đạm tổng số ở mức nghèo, trong đó Cao Phong có 83,33% số vườn điều tra, Nghĩa Đàn có 60,00% số vườn, Quỳ Hợp có 53,33% số vườn, Hàm Yên có 70,00% số vườn, Bắc Quang có 80,00% số vườn và ở Quang Bình có 73,33% số vườn điều tra. Số vườn điều tra có hàm lượng đạm tổng số ở mức giàu rất thấp chỉ chiếm từ 0 - 6,67% số vườn điều tra.

Bảng 4: Đánh giá hàm lượng đạm tổng số trong đất trồng cam

Đơn vị tính: %

Địa phương

Tối ưu

(> 0,2%)

Trung bình

(0,1 - 0,2%)

Thấp

(< 0,1%)

Cao Phong

3,33

13,33

83,33

Nghĩa Đàn

6,67

33,33

60,00

Quỳ Hợp

6,67

40,00

53,33

Hàm Yên

3,33

26,67

70,00

Bắc Quang

0

20,00

80,00

Quang Bình

0

26,67

73,33

3.5. Hàm lượng lân trong đất trồng cam ở miền Bắc Việt Nam

Theo kết quả nghiên cứu của Đỗ Ánh và cộng sự (2000), hàm lượng lân tổng số trong đất trung bình đạt từ 0,06 - 0,1%, mức giàu đạt > 0,1%, nghèo lân ở mức từ 0,03 - 0,06% và rất nghèo là ở mức < 0,03% P2O5 trong đất. Đối chiếu với thang đánh giá trên cho thấy đất trồng cam ở các tỉnh nghiên cứu chủ yếu có hàm lượng lân tổng số trong đất ở mức trung bình đến giàu, chỉ có 0 - 26,67% số vườn điều tra ở mức nghèo lân tổng số, không có vườn nào có hàm lượng lân tổng số ở mức rất nghèo.

Bảng 5: Đánh giá hàm lượng lân tổng số trong đất trồng cam các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Tối ưu

(> 0,1%)

Trung bình

(0,06 - 0,1%)

Thấp

(0,03-0,06%)

Cao Phong

80,00

20,00

0

Nghĩa Đàn

56,67

30,00

13,33

Quỳ Hợp

36,67

36,67

26,67

Hàm Yên

56,67

26,67

16,67

Bắc Quang

80,00

13,33

6,67

Quang Bình

86,67

6,67

6,67

Theo TCVN 7374-2004, hàm lượng lân tổng số trong đất đồi nằm trong khoảng từ 0,05 - 0,60% P2O5, đối chiếu kết quả phân tích cho thấy hầu hết các vườn điều tra có hàm lượng lân tổng số ở mức trung bình đến thấp. Trong đó Cao Phong có 50% số vườn có hàm lượng lân tổng số dước mức trung bình (0,3%), Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có 86,67% số vườn điều tra có hàm lượng lân tổng số dưới mức trung bình, Hàm Yên có 83,33% số vườn có hàm lượng lân tổng số dưới mức trung bình, Bắc Quang và Quang Bình có 90,00% số vườn có hàm lượng lân tổng số dưới mức trung bình.

Theo thang đánh giá của Đỗ Ánh (2002) và A. Dobermann & T. Fairhurt (2000) đối với hàm lượng lân dễ tiêu trong đất trung bình từ 3,46 - 4,46 mg/100 g đất, mức giàu với hàm lượng lân dễ tiêu > 4,46 mg/100 g đất và nghèo với hàm lượng lân dễ tiêu < 3,46 mg/100 g đất. Đối chiếu với thang trên cho thấy hầu hết các vườn điều tra có hàm lượng lân dễ tiêu ở mức giàu, trong đó ở Cao Phong có 86,67% số vườn điều tra, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có 70,00 - 80,00% số vườn điều tra, Hàm Yên có 76,67% số vườn điều tra, Bắc Quang và Quang Bình có 76,67 - 83,33% số vườn điều tra có hàm lượng lân dễ tiêu ở mức giàu.

Kết quả nghiên cứu của Srivastava A. K. and Singh S. (2006) hàm lượng lân dễ tiêu (P) thích hợp cho cây ăn quả có múi là từ 21,2 - 45,6 mg/kg đất (tương đương 4,9 - 10,4 mg P2O5/100 g đất). Đối chiếu kết quả phân tích đất ở các địa phương cho thấy hầu hết các vườn điều tra đều có hàm lượng lân dễ tiêu vượt ngưỡng thích hợp, cụ thể ở Cao Phong 83,33% số vườn điều tra có hàm lượng lân dễ tiêu vượt ngưỡng 10,4 mg P2O5/100 g đất, 10,00% số vườn trong ngưỡng và 6,67% số vườn có hàm lượng dễ tiêu ở mức dưới ngưỡng thích hợp, tương tự ở Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có 66,67 - 70,00% số vườn vượt ngưỡng, 16,67 - 20,00% số vườn trong ngưỡng và 10,00 - 13,33% số vườn dưới ngưỡng. Ở Hàm Yên có 63,33% số vườn vượt ngưỡng, 20,00% số vườn trong ngưỡng và có 16,67% số vườn dưới ngưỡng thích hợp. Ở Bắc Quang và Quang Bình có 76,67 - 80,00% số vườn vượt ngưỡng, 13,33 - 16,67% số vườn trong ngưỡng và có 6,67% số vườn ở dưới ngưỡng thích hợp đối với hàm lượng lân dễ tiêu.

Bảng 6: Hàm lượng lân dễ tiêu trong đất trồng cam các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Tối ưu

(> 4,46*)

Trung bình

(3,46 - 4,46)

Thấp

(< 3,46)

Cao Phong

86,67

10,00

3,33

Nghĩa Đàn

80,00

13,33

6,67

Quỳ Hợp

70,00

20,00

10,00

Hàm Yên

76,67

6,67

16,67

Bắc Quang

76,67

10,00

13,33

Quang Bình

83,33

6,67

10,00

*Đơn vị tính mg/100 g đất

Với kết quả phân tích cho thấy hàm lượng lân trong đất trồng cam đều ở mức giàu, trong đó hàm lượng lân dễ tiêu trong đất vượt ngưỡng thích hợp đối với cây cam, điều này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đất tuy nhiên sẽ ảnh hưởng đến một số nguyên tố trung và vi lượng có tính đối kháng trong đất như việc nếu hàm lượng lân dễ tiêu trong đất cao sẽ làm kết tủa như Ca2+, Mg2+, Zn,...

3.6. Hàm lượng kali trong đất trồng cam ở miền Bắc Việt Nam

Theo TCVN 7375:2004 hàm lượng kali tổng số trong đất đỏ đồi núi biến động từ 0,02 - 1,0% trong đó mức trung bình khoảng từ 0,1 - 0,3%, mức giàu > 0,3% và mức nghèo là < 0,1%. Đối chiếu kết quả điều tra ở các vườn của các vùng nghiên cứu cho thấy hầu hết các vườn đều có hàm lượng kali tổng số ở mức giàu. Trong đó ở Bắc Quang và Quang Bình tất cả các vườn điều tra đều có hàm lượng kali tổng số ở mức giàu, ở Cao Phong và Hàm Yên có trên 90% số vườn điều tra ở mức giàu, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có trên 80% số vườn điều tra có hàm lượng kali tổng số ở mức giàu.

Bảng 7: Hàm lượng kali tổng số trong đất trồng cam các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Tối ưu

(> 0,3)

Trung bình

(0,1 - 0,3)

Thấp

(< 0,1)

Cao Phong

90,00

10,00

0

Nghĩa Đàn

80,00

20,00

0

Quỳ Hợp

83,33

16,67

0

Hàm Yên

93,33

6,67

0

Bắc Quang

100,0

0

0

Quang Bình

100,0

0

0

Theo đánh giá của J. Boyer (1982), hàm lượng kali dễ tiêu trong đất được đánh giá theo thang sau: mức trung bình là từ 4,5 - 9,0 mg/100 g đất, mức giàu là > 9,0 mg/100 g đất và mức nghèo < 4,5 mg/100 g đất. Đối chiếu với kết quả phân tích các vườn điều tra cho thấy đa phần các vườn cam đều có hàm lượng kali dễ tiêu ở mức giàu, trong đó Cao Phong có 93,33% số vườn điều tra, ở Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có 76,67 - 83,33% số vườn điều tra, Hàm Yên có 90,00% số vườn điều tra, Bắc Quang và Quang Bình có 60,00 - 63,33% số vườn điều tra có hàm lượng kali dễ tiêu ở mức giàu.

Bảng 8: Hàm lượng kali dễ tiêu trong đất trồng cam các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Tối ưu

(> 9*)

Trung bình

(4,5 - 9,0)

Thấp

(< 4,5)

Cao Phong

93,33

6,67

0

Nghĩa Đàn

80,00

6,67

13,33

Quỳ Hợp

76,67

10,00

13,33

Hàm Yên

76,67

16,67

6,67

Bắc Quang

63,33

30,00

6,67

Quang Bình

60,00

33,33

6,67

*Đơn vị tính mg/100 g đất

Kết quả nghiên cứu của Mancenpong S. (2008) thì hàm lượng kali dễ tiêu trong đất phù hợp với cây cam là từ 100 - 150 mg K/kg đất (tương đương 12,05 - 18,08 mg K2O/100 g đất). Đối chiếu với kết quả phân tích ở các vườn cho thấy đa phần các vườn cam đều ở mức phù hợp hoặc cao hơn, cụ thể ở Cao Phong có 93,33% số vườn có hàm lượng kali dễ tiêu đạt và vượt mức phù hợp, ở Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có 56,67 - 70,00% số vườn đạt và vượt mức phù hợp, ở Hàm Yên có 46,67% số vườn đạt và vượt, ở Bắc Quang và Quang Bình có 43,33 - 46,67% số vườn đạt và vượt mức phù hợp về hàm lượng kali dễ tiêu trong đất đối với cây cam, các vườn có hàm lượng kali dễ tiêu cao đều là các vườn có chế độ thâm canh phù hợp. Như vậy trong điều kiện canh tác hiện nay đất trồng cam ở các vùng nghiên cứu không bị thiếu kali.

3.7. Dung tích hấp thu của đất trồng cam ở miền Bắc Việt Nam

Bảng 9: Dung tích hấp thu của đất trồng cam các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Tối ưu

(> 15*)

Trung bình

(10 - 15)

Thấp

(< 10)

Cao Phong

50,00

30,00

20,00

Nghĩa Đàn

33,33

40,00

26,67

Quỳ Hợp

33,33

33,33

33,33

Hàm Yên

20,00

43,33

36,67

Bắc Quang

26,67

33,33

40,00

Quang Bình

30,00

30,00

40,00

*Đơn vị tính me/100 g đất

Dung tích hấp thu là yếu tố quan trong đối với cây trồng, nó thể hiện khả năng giữ và giải phóng dinh dưỡng của đất cho cây, đây cũng là một trong những yếu tố sử dụng để đánh giá độ phì nhiêu đất. Theo FAO (1998), Đào Thanh Vân & cs. (2012), Bộ NN&PTNT (2009) thì CEC rất thích hợp cho cây cam là > 15 me/100 g đất, ngưỡng thích hợp là từ 10 - 15 me/100 g đất và < 10 me/100 g đất là ngưỡng ít thích hợp. Đối chiếu kết quả phân tích ở các vườn điều tra cho thấy trên 60% số vườn điều tra đạt mức rất thích hợp đến thích hợp, trong đó ở Cao Phong có 80,00% số vườn điều tra, ở Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có 66,67 - 73,33% số vườn điều tra, Hàm Yên có 63,33% số vườn điều tra, ở Bắc Quang và Quang Bình có 60,00% số vườn điều tra có dung tích hấp thu từ rất thích hợp đến thích hợp. Dung tích hấp thu được quyết định bởi thành phần cơ giới của đất và hàm lượng chất hữu cơ trong đất. Đất ở các vùng nghiên cứu có hàm lượng hữu cơ khá cao vì vậy ảnh hưởng đến dung tích hấp thu của đất.

3.8. Hàm lượng các cation trao đổi trong đất trồng cam ở miền Bắc Việt Nam

Hàm lượng Ca++ và Mg++ trong đất đóng vai trò quan trọng trong sinh trưởng phát triển của cây, ngoài tác dụng là nguyên tố trung lượng cung cấp còn có tác dụng trao đổi chất dinh dưỡng cho cây. Theo kết quả nghiên cứu của Mancenpong S. (2008) thì hàm lượng Ca++ trong đất phù hợp đối với cây cam là từ 1.000 - 2.000 mg/kg đất (tương đương với 2,50 - 5,00 me/100 g đất), hàm lượng Mg++ trong đất phù hợp với cây cam là từ 120 - 240 mg/kg đất (tương đương với 0,50 - 1,00 me/100 g đất. Kết quả đối chiếu với số liệu phân tích ở các vườn cam điều tra được thể hiện ở bảng 10 và 11.

Bảng 10: Hàm lượng Ca++ trong đất trồng cam các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Cao

(5,00*)

Tối ưu

(2,50 - 5,00)

Thấp

(< 2,50)

Cao Phong

20,00

63,33

16,67

Nghĩa Đàn

33,33

46,67

20,00

Quỳ Hợp

13,33

60,00

26,67

Hàm Yên

26,67

50,00

23,33

Bắc Quang

30,00

43,33

26,67

Quang Bình

26,67

40,00

33,33

*Đơn vị tính me/100 g đất

Kết quả đánh giá hàm lượng Ca++ trong đất ở các vườn điều tra cho thấy đa phần các vườn đều đạt và vượt ngưỡng phù hợp với cây cam, trong đó ở Cao Phong có 83,33% số vườn, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có 73,33 - 80,00% số vườn, Hàm Yên có 76,67% số vườn, Bắc Quang và Quang Bình có 66,67 - 73,33% số vườn điều tra có hàm lượng Ca++ đạt và vượt ngưỡng phù hợp với cây cam.

Bảng 11: Hàm lượng Mg++ trong đất trồng cam các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Cao

(> 1,00*)

Tối ưu

(0,50 - 1,00)

Thấp

(< 0,50)

Cao Phong

20,00

36,67

43,33

Nghĩa Đàn

0

23,67

76,67

Quỳ Hợp

6,67

20,00

73,33

Hàm Yên

23,33

36,67

40,00

Bắc Quang

30,00

6,67

63,33

Quang Bình

26,67

33,33

40,00

*Đơn vị tính me/100 g đất

Với hàm lượng Mg++ trong đất ở các vườn điều tra cho thấy nhiều vườn có hàm lượng Mg++ thấp hơn ngưỡng phù hợp với cây cam, trong đó ở Cao Phong có 43,33% số vườn, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có 73,33 - 76,67% số vườn, Hàm Yên có 40% số vườn, Bắc Quang và Quang Bình có 40,00 - 63,33% số vườn điều tra có hàm lượng Mg++ dưới ngưỡng phù hợp với cây cam.

Nếu đối chiếu theo mức phân cấp Euroconsult Agricultural Compendium (1989) thì hầu hết các vườn cam điều tra đều có hàm lượng Ca++ và Mg++ ở mức trung bình đến thấp, đặc biệt là yếu tố Mg++.

3.9. Hàm lượng đồng dễ tiêu trong đất trồng cam ở miền Bắc Việt Nam

Theo Phạm Đình Thái, Mancenpong S. (2008) phân cấp hàm lượng đồng dễ tiêu trong đất thì hàm lượng đồng dễ tiêu trong đất phù hợp với cây cam là từ 1,0 - 1,5mg/kg đất, mức cao là > 1,5mg/kg đất và thấp là < 1,0mg/kg đất. Đối chiếu với kết quả phân tích đất của các vườn điều tra ở vùng nghiên cứu cho thấy ở Cao Phong có 40,00 số vườn ở mức cao, 23,33% số vườn ở mức trung bình và 36,67% số vườn ở mức thấp, ở Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp có 40,00 - 43,33% số vườn ở mức cao, 20,00% số vườn ở mức trung bình, 36,67 - 40,00% số vườn ở mức thấp, cũng theo thứ tự này ở Hàm Yên là 13,33%; 16,67%; 70,00%, Bắc Quang và Quang Bình là 6,67 - 10,00%; 16,67 - 20,00% và 73,33%. Như vậy đất trồng cam, đặc biệt là ở vùng Hàm Yên, Bắc Quang và Quang Bình có hàm lượng đồng dễ tiêu thấp.

Bảng 12: Hàm lượng đồng dễ tiêu trong đất trồng cam các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Cao

(>1,5*)

Tối ưu

(1,0 - 1,5)

Thấp

(< 1,0)

Cao Phong

40,00

23,33

36,67

Nghĩa Đàn

40,00

20,00

40,00

Quỳ Hợp

43,33

20,00

36,67

Hàm Yên

13,33

16,67

70,00

Bắc Quang

10,00

16,67

73,33

Quang Bình

6,67

20,00

73,33

*Đơn vị tính mg/kg đất

3.10. Hàm lượng kẽm dễ tiêu trong đất trồng cam ở miền Bắc Việt Nam

Bảng 13: Hàm lượng kẽm dễ tiêu trong đất trồng cam các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Cao

(> 4,0*)

Tối ưu

(2,0 - 4,0)

Thấp

(< 2,0)

Cao Phong

23,33

20,00

56,67

Nghĩa Đàn

20,00

26,67

53,33

Quỳ Hợp

16,67

23,33

60,00

Hàm Yên

26,67

26,67

46,67

Bắc Quang

23,33

20,00

56,67

Quang Bình

20,00

26,67

53,33

*Đơn vị tính mg/kg đất

Theo phân cấp của Phạm Đình Thái về hàm lượng kẽm dễ tiêu trong đất và nghiên cứu của Srivastava A. K. and Singh S. (2006) về hàm hàm lượng kẽm dễ tiêu trong đất phù hợp với cây cam thì hàm lượng kẽm dễ tiêu trung bình là từ 2,0 – 4,0 mg/kg đất, cao là > 4,0 mg/kg đất và thấp là < 2,0 mg/kg đất. Với kết quả phân cấp này cho thấy có trên 50% các vườn điều tra có hàm lượng kẽm trong đất ở mức thấp, trong đó ở Cao Phong có 56,67% số vườn, Nghĩa Đàn có 53,33% số vườn, Quỳ Hợp có 60,00% số vườn, Hàm Yên có 46,67% số vườn, Bắc Quang có 56,67% và Quang Bình có 53,33% số vườn điều tra có hàm lượng kẽm dễ tiêu ở mức thấp.

4. KẾT LUẬN

            Từ kết quả điều tra phân tích đất ở các vườn cam đại diện cho vùng miền Bắc Việt Nam cho thấy một số yếu tố ảnh hưởng đến suy thoái đất như sau:

            Đất trồng cam ở tất cả các địa phương đều có phản ứng chua đến rất chua, trong đó đất có pHKCl < 5 (mức ít thích hợp đối với cây cam) chiếm từ 63,33% (ở Nghĩa Đàn) đến 93,33% (ở Hà Giang).

            Hàm lượng đạm tổng số trong các loại đất đều ở mức trung bình đến nghèo trong đó nhiều địa phương như Cao Phong, Bắc Quang, Quang Bình có đến trên 80% số vườn điều tra có hàm lượng đạm tổng số ở mức nghèo.

             Hàm lượng lân và kali đặc biệt là lân và kali dễ tiêu giàu chiếm trên 70% số vườn điều tra, điều này không ảnh hưởng đến chất lượng đất nhưng có ảnh hưởng đối kháng đối với một số nguyên tố vi lượng trong đất như B, Zn,...

            Hàm lượng cation trao đổi trong đất thấp đặc biệt là Mg++, có những địa phương có trên 70% số vườn điều tra có hàm lượng Mg++ thấp như ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp.

            Tỷ lệ các vườn có hàm lượng Cu và Zn dễ tiêu ở mức thấp khá cao như ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Hàm Yên, Bắc Quang, Quang Bình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đỗ Ánh và ctv, 2000, Đất Việt Nam. Hội Khoa học đất. NXBNN.

Đỗ Ánh, 2002, Độ phì nhiêu của đất và dinh dưỡng cây trồng., NXB Nông nghiệp Hà nội, 2002

Lê Văn Căn. Sổ tay phân bón. Nhà xuất bản Giải phóng, 1975.

Lục Hân (chủ biên), 2002 Thổ nhưỡng phì liệu học, Nhà xuất bản: Đại học nông nghiệp TQ- Bắc kinh 2002

Đào Thanh Vân, Nguyễn Hữu Thọ và Hà Duy Trường (2012). Nghiên cứu phòng chống bệnh greeening và trồng khảo nghiệm giống cam mới tại Hàm Yên, Tuyên Quang. Truy cập từ http://tuaf.edu.vn/ ttncmnphiabac/bai-viet/ky-thuat-trong-va-chamsoc-cam-sanh-15483.html, ngày 9/6/2017.

Bộ NN&PTNT (2009). Cẩm nang sử dụng đất nông nghiệp. Quyển 2: Phân hạng và đánh giá đất đai. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

FAO (1998). Land requirement for Crops, FAO, Rome

Achim Dobermann and Thomas Fairhurst. Rice Nutrient Disorders & Nutrient Management - IRRI 2000

Mancenpong, S. (2008). A nutrient survey for establishment of standard recommendation of soil and analysis for pununelo. Agricultural Science Journal, 39, 62-65.

Samuel L. Tisdale & Werner Nelson (1975). Soil fertility and  Fertilizers (third edition), Macmillan Publishing Co., Inc.

Srivastava A. K. and Singh S. (2006). Diagnosis of nutrient constraints in citrus orchards of humid tropical India. Journal of plant nutrition, 29 (6), 1061-1076.

 

 

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ suy thoái của đất trồng cam ở một số địa phương vùng miền Bắc Việt Nam bao gồm Hòa Bình, Nghệ An, Tuyên Quang và Hà Giang. Với kết quả đánh giá chất lượng đất các vùng nghiên cứu cho thấy có 63,33 - 93,33% số vườn trồng cam có pHKCl < 5, trong đó nhiều vườn có phản ứng rất chua; hàm lượng đạm tổng số hầu hết các vườn ở mức trung bình đến nghèo; hàm lượng cation trao đổi thấp, đặc biệt là hàm lượng Mg++, có nhiều địa phương có trên 70% số vườn điều tra nghèo Mg++; các nguyên tố vi lượng đồng và kẽm dễ tiêu trong các vườn điều tra thấp, có trên 50% số vườn điều tra có hàm lượng kẽm dễ tiêu ở mức thấp, trên 70% số vườn điều tra ở Hàm Yên, Bắc Quang và Quang Bình có hàm lượng đồng dễ tiêu ở mức thấp.

Từ khóa: Cây cam, suy thoái đất, đất trồng cam, miền Bắc Việt Nam ​​​​​​​