​​​​​​​​​​​​1. Khí hậu tỉnh Tuyên Quang

Tuyên Quang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều do đó đặc điểm khí hậu diễn biến theo 2 mùa rõ rệt.

Mùa khô từ thàng 11 đến tháng 3 năm sau: nhiệt độ trung bình thấp, độ ẩm không khí trung bình trong các tháng này đạt 86%. Lượng mưa ít, lượng mưa bình quân trong các tháng mùa khô đạt xấp xỉ 39mm. Tháng có lượng mưa thấp nhất là tháng 12 (21,7mm ở Chiêm Hoá, 22,7mm ở Hàm Yên và 18,7mm ở Tuyên Quang). Lượng bốc hơi bình quân trong các tháng mùa khô (46,48mm ở Chiêm Hoá, 35,9mm ở Hàm Yên và 49,8mm ở Tuyên Quang).

Nhìn chung về mùa khô nhiệt độ xuống thấp, lượng mưa ít, lượng bốc hơi lại lớn nên thường làm cho đất bị khô hạn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển một số loại cây trồng.

Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10: nhiệt độ trung bình tương đối cao, tháng có nhiệt độ cao là tháng 6, tháng 7 và tháng 8 (tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 7: 33,1oC). Lượng mưa lớn cũng thường tập trung trong tháng này (304,5mm vào tháng 8) đã gây nên tình trạng xói mòn rửa trôi ở những vùng đất dốc, canh tác không hợp lý...

2. Khí hậu tỉnh Hà Giang

Qua số liệu thu thập được của 4 trạm khí tượng (thị xã Hà Giang, Bắc Quang, Hoàng Su Phì và Phó Bảng), Hà Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa, nhưng do nằm sâu trong lục địa nên ảnh hưởng của mưa bão trong mùa hè và gió Đông Bắc trong mùa đông kém hơn các nơi khác thuộc vùng Đông Bắc và vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Ở Hà Giang nền nhiệt độ trung bình < 20oC ở tất cả các trạm là hơn 4 tháng. Riêng trạm Phó Bảng có nền nhiệt độ < 20oC lên tới 9 tháng. Khí hậu vùng này mang sắc thái khí hậu á nhiệt đới. Nhưng nhìn chung khí hậu của Hà Giang có thể chia ra 2 mùa rõ rệt.

          Mùa khô tức là mùa lạnh kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Tháng lạnh nhất là tháng 12, 1, 2. Nhiệt độ bình quân nhiều ngày giảm xuống dưới 10oC. Biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm dao động lên đến 11-15oC. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm là nhân tố thúc đẩy quá trình phong hoá của các đá mẹ cũng như sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Lượng mưa mùa này thường rất thấp, chỉ chiếm khoảng 15-20% lượng mưa cả năm (trạm Hà Giang 15,5%, trạm Bắc Quang 16%, trạm Hoàng Su Phì 14,5% và trạm Phó Bảng 15,4%). Sương mù tập trung chủ yếu vào mùa này, nhất là ảnh hưởng của sương muối 1,7 - 6,6 ngày/năm vào tháng 12 và tháng 1. Do lượng mưa thấp, lượng bốc hơi lớn nên đã gây ra khô hạn thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt và nếu lại có thêm sương muối thì ảnh hưởng của thời tiết đến sản xuất còn nghiêm trọng hơn.

Mùa mưa tức là mùa nóng ở Hà Giang bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10. Tháng nóng nhất là tháng 7 (nhiệt độ cao nhất trung bình ở trạm Hà Giang 32,4oC, Bắc Quang 32,8oC, Hoàng Su Phì 31,3oC và Phó Bảng 24,6oC). Trong các tháng giữa mùa nóng biên độ nhiệt độ trung bình ngày chỉ dao động trong khoảng 5 - 6oC. Lượng mưa trung bình cả năm tập trung chủ yếu vào mùa này, chiếm 80 - 85% lượng mưa cả năm), nhưng tập trung ở một số vùng, nhất là vùng Bắc Quang, nơi mà có lượng mưa vào loại lớn nhất ở nước ta (rốn mưa: 4.802 mm/năm). Tổng số ngày mưa trung bình năm biến động từ 141 - 210 ngày, các tháng 6, 7, 8 có số ngày mưa cao từ 19 - 25 ngày và cường độ mưa lớn, điều này đã gây ra hiện tượng xói mòn rửa trôi đất, nhất là những vùng đất trống đồi núi trọc, vùng đất nương rẫy có độ dốc lớn > 25o, đôi khi xảy ra lũ quét.

3. Khí hậu tỉnh Hòa Bình

Do nằm ở chí tuyến Bắc trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, nên khí hậu của tỉnh Hòa Bình mang tính chất của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Trong năm có hai mùa rõ rệt, mùa nóng (mưa nhiều) từ cuối tháng Tư đến cuối tháng Mười và mùa lạnh (mưa ít) từ tháng Mười Một đến cuối tháng Ba năm sau. Song do sự chi phối của địa hình, địa mạo, nên khí hậu của Hòa Bình có sự khác nhau giữa các khu vực; ở khu vực núi cao  thuộc huyện Mai Châu, Tân Lạc, Đà Bắc có khí hậu đặc trưng của vùng á nhiệt đới, thường mát mẻ quanh năm (nhiệt độ bình quân 18 - 190C); ở thung lũng Mai Châu thường có những đợt gió Tây khô nóng, gió nóng thổi theo mùa vào tháng Năm và tháng Sáu hàng năm; ở khu vực xung quanh hồ thuỷ điện Hòa Bình khí hậu tương đối mát mẻ, mưa nhiều; khu vực đồi thấp phía Nam có khí hậu đặc trưng của vùng, nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ bình quân năm từ 22 - 30oC.

Tuy có sự khác nhau về khí hậu ở các khu vực, song nhìn chung khí hậu ở Hòa Bình có nền nhiệt cao, lượng mưa tương đối lớn và tập trung trong các tháng mùa mưa. Bình quân trong 10 năm qua (2002 - 2012) nhiệt độ trung bình năm 23,9oC; số giờ nắng đạt 1.591 h/năm, tổng nhiệt lượng cả năm đạt khoảng 8.400oC. Lượng mưa bình quân đạt gần 2000 mm/năm, trong đó lượng mưa trong mùa mưa chiếm tới 85 - 90% lượng mưa cả năm. Lượng bốc hơi bình quân năm khoảng 859 mm/năm, có 5 tháng (từ tháng Mười Một đến tháng Ba) lượng bốc hơi thường lớn hơn lượng mưa.

Với đặc điểm khí hậu của tỉnh như trên, cho phép trên địa bàn tỉnh có thể phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với các cây trồng, vật nuôi nhiệt đới, á nhiệt đới và ở khu vực núi cao có thể phát triển cây trồng có nguồn gốc ôn đới. Nền nhiệt đảm bảo cho phép gieo trồng nhiều vụ trong năm và đảm bảo năng suất sinh học cao. Tuy nhiên do có những biến động mạnh của thời tiết như bão, dông, gió Tây khô nóng, nhiệt độ xuống  thấp ở vùng cao..., do đó cần phải lựa chọn hệ thống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết của từng vùng để khai thác những lợi thế và hạn chế những rủi ro của thời tiết gây ra đối với sản xuất nông nghiệp.

4. Khí hậu tỉnh Nghệ An

Nghệ An nằm ở Đông Nam Châu Á nên có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Do địa hình phức tạp, miền núi rộng bao la và cao dần về phía Tây Bắc, ngoài ra còn có vùng đồi và núi thấp nằm trung gian giữa 2 miền Bắc và miền Trung cho nên khí hậu có những nét độc đáo.

  • Chế độ gió

Có 2 mùa rõ rệt: gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng 10 đến giữa tháng 4 năm sau, gây nên lạnh, ít mưa. Gió Tây Nam thổi từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 10, vượt qua dãy Trường Sơn nên khô nóng (thường gọi là gió Lào).

  • Nhiệt độ

Nhiệt độ không khí trung bình năm là 22 - 24oC, nhiệt độ trung bình cao nhất là 29,4oC (tháng 6, 7), nhiệt độ trung bình thấp nhất là 17,7oC (tháng 1). Biên độ nhiệt độ ở các vùng quá chênh lệch nhau như: biên độ nhiệt độ trung bình cao nhất và thấp nhất ở Vinh là 6,3oC, ở Phủ Quỳ là 11,8oC. Vùng đồng bằng có nhiệt độ điều hoà hơn, ngược lại ở vùng đồi núi thấp mùa nóng chịu ảnh hưởng của gió Lào nên nhiệt độ cao hơn, nhất là biên độ giữa ngày và đêm, mùa đông vùng này thường có sương muối. Còn vùng núi cao mùa hè mát mẻ, mùa đông rất lạnh, nhiều năm nhiệt độ xuống dưới 0oC, nhất là trên các chân núi cao.

  • Lượng mưa

Tổng lượng mưa trung bình năm ở Vinh là 1.859mm, số ngày mưa là 135 ngày. Vùng đồi núi thấp lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500-1.550mm, vùng núi là 1.350-1.500mm. Còn vùng đồng bằng và đồi thấp có lượng mưa trung bình hàng năm cao hơn.

Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, tập trung vào tháng 7, 8, 9, 10. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Nói chung lượng mưa phân bố không đều nên thường gây hạn hán (vào mùa khô) và lũ lụt (vào mùa mưa).

  • Độ ẩm

Độ ẩm không khí trung bình hàng tháng ở Vinh diễn biến từ 75-91%, ở Phủ Quỳ 78-87%, cao nhất từ tháng 1, 2, 3 và thấp nhất là tháng 6, 7.

  • Bốc hơi

Lượng bốc hơi trung bình hàng năm nhỏ hơn lượng mưa. Ở Vinh lượng bốc hơi cả năm nhiều nhất là tháng 5, 6, 7, 8 trong những tháng này lượng bốc hơi gần bằng hoặc lớn hơn lượng mưa, ở Phủ Quỳ lượng bốc hơi chỉ chiếm 35,3% lượng mưa. Bốc hơi nhiều nhất là tháng 4, 5, 6, 7, tháng 12 và tháng 1 lượng bốc hơi nhiều hơn lượng mưa 2 - 3 lần. Tháng 2, 3, 4 xấp xỉ bằng lượng mưa.