Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cây ăn quả có múi thuộc nhóm 15 loại cây chủ lực, có diện tích lớn nhất của nước ta với tổng diện tích 262.179 ha (2022). Trong đó, tổng diện tích cây ăn quả có múi của các tỉnh miền Bắc khoảng 135.000 ha (chiếm 57,7% diện tích của cả nước). Nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hoá tập trung quy mô lớn như cam ở Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Bắc Giang, Nghệ An; … Diện tích và sản lượng cây có múi cả nước tăng liên tục trong những năm 2010 -2020 . Thống kê trong 10 năm từ 2009 - 2019, tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân 10%/năm về diện tích (tương đương 7,3 nghìn ha/năm), trên 12% về sản lượng (69,4 nghìn tấn); cơ cấu giống phong phú. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại thị trường nội địa là chính với 10 sản phẩm quả có múi được chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2022 là 72,9 triệu USD. Trong một thời gian dài, cây ăn quả có múi trên địa bàn cả nước nói chung, ở phía bắc nói riêng được mùa, được giá khiến người dân ồ ạt mở rộng diện tích dẫn đến phát triển “nóng” hoặc trồng ngoài vùng quy hoạch. Hệ lụy từ vấn đề này đã được kiểm chứng khi thời gian gần đây, do thị trường tiêu thụ cây ăn quả có múi ở phía bắc chủ yếu trong nước cung vượt cầu, giá xuống thấp, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chưa nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của nhân dân. Một số vùng trồng cây ăn quả có múi trọng điểm ở miền Bắc đang đứng trước một số thách thức, hạn chế trong sản xuất.

Đối với cây cam, từ năm 2018-2022 diện tích cam cả nước có xu hướng giảm, nguyên nhân chủ yếu do biến động của thị trường tiêu thụ, giá bán giảm, vườn cây không được đầu tư thâm canh, sâu bệnh hại (đặc biệt là bệnh vàng lá Greening) phát sinh phát triển và gây hại mạnh. Trái ngược với tình hình suy giảm về diện tích, trong 5 năm gần đây sản lượng cam tăng bình quân 22,2%/năm (189,9 nghìn tấn/năm), đạt trên 1,8 triệu tấn năm 2022.

 

Hình 1. Diễn biến diện tích và sản lượng cam cả nước

Nguồn: Cục trồng trọt, 2023

Về phân bố, sản xuất cam nước ta tập trung tại vùng ĐBSCL (40% tổng diện tích cam cả nước), tiếp đến là TDMNPB (32%), BTB (14%), ĐBSH (5%)…Trong đó 11 tỉnh sản xuất cam lớn (trên 2000 ha/tỉnh) gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang, H a Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang.

Hình 2. Cơ cấu diện tích cam theo vùng

Nguồn: Cục trồng trọt, 2023