Kết quả điều tra lấy mẫu đất ở các điểm nghiên cứu cho thấy cây cam trồng ở vùng Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp của tỉnh Nghệ An, Cao Phong - Hòa Bình, Hàm Yên - Tuyên Quang, Bắc Quang và Quang Bình của tỉnh Hà Giang trên các loại đất chính gồm: đất nâu đỏ phát triển trên đá bazan, đất nâu phát triển trên đá vôi, đất phù sa cổ, đất đỏ vàng phát triển trên đá phiến thạch biến chất,...

Bảng 1. Mức thích hợp về thành phần cơ giới đất trồng cam ở các vùng nghiên cứu

Đơn vị tính: %

Địa phương

Rất thích hợp

(Thịt nhẹ, thịt trung bình)

Thích hợp

(Cát pha, sét)

Loại đất chủ yếu

Cao Phong

70,00

30,00

Đất đỏ nâu trên đá vôi

Nghĩa Đàn

73,33

26,67

Đất nâu đỏ trên đá bazan

Quỳ Hợp

80,00

20,00

Đất nâu đỏ trên đá bazan

Hàm Yên

46,67

53,33

Đất đỏ vàng trên đá biến chất

Bắc Quang

50,00

50,00

Đất đỏ vàng trên đá biến chất

Quang Bình

43,33

56,67

Đất đỏ vàng trên đá biến chất

Theo hướng dẫn của Cẩm nang sử dụng đất của Bộ Nông nghiệp và PTNT (2009) và của FAO (1998) thì đất trồng cam rất thích hợp với thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến thịt trung bình, với các loại đất cát pha, sét thích hợp với cây cam. Kết quả đánh giá về thành phần cơ giới cho thấy tất cả các vườn điều tra đều có thành phần cơ giới rất thích hợp đến thích hợp đối với cây cam.

Kết quả phân tích đất trồng cam các vùng cho thấy: tỷ lệ cấp hạt cát ở tầng đất mặt (0-30cm) các vùng trồng cam Nghĩa Đàn, Hàm Yên, Bắc Quang, Quang Bình đều chiếm trên 50%, Cao Phong, Quỳ Hợp chiếm gần 50%. Trong khi đó ở tầng đất 30-60 tỷ lệ cấp hạt sét ở các vùng trồng cam Cao Phong, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Hàm Yên chiếm trên 40%. Kết quả nghiên cứu cũng phù hợp với nghiên cứu của Cao Việt Hà và Lê Thanh Tùng (2010), ở Hàm Yên, Tuyên Quang nơi các vườn cam từ 2-20 năm trồng độc canh trong thời gian dài đã bị thoái hóa đất về nhiều mặt: độ chặt đất tăng theo tuổi cây (giảm tỷ lệ kết hạt lớn d > 10 mm và tăng rõ tỷ lệ kết hạt nhỏ d < 10 mm), tăng rửa trôi sét xuống tầng đất sâu, giảm độ xốp, độ trữ ẩm đồng ruộng, hàm lượng chất hữu cơ và đạm tổng số.

Kết quả nghiên cứu cho thấy đất trồng cam ở các địa phương vùng nghiên cứu có xu hướng rửa trôi sét ở tầng mặt và tích lũy sét ở tầng 30 - 60 cm. Trong đó đặc biệt rõ đối với vùng đất phát triển trên đá vôi và đá bazan.

 

 ​​​​​​​

Hình 1. Thành phần cấp hạt tại các vườn cam bị thoái hóa